
Suy nghĩ về ý nghĩa của câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, chúng ta có rất nhiều câu nói về truyền thống đạo lý thủy chung, tình nghĩa. Một trong số đó là câu: “Uống nước nhớ nguồn”.
“Uống nước” là hưởng hoa trái vật chất và tinh thần. “Uống nước nhớ nguồn” chính là ghi ơn, giữ gìn và phát huy những thành quả của những người làm nên thành quả đó. Vì vậy, toàn bộ câu tục ngữ là một lời khuyên, răn dạy chúng ta phải biết ơn thế hệ cha anh và phát huy những thành quả của họ. Từ cách giải thích trên ta thấy câu tục ngữ thể hiện phẩm chất cao đẹp của con người mang nhiều ý nghĩa cao quý.
Kết quả tốt không tự đến. Đất nước thanh bình mà chúng ta đang sống hôm nay đã bị đánh đổi bằng sinh mạng của biết bao người đã hy sinh. Vì vậy, chúng ta không được quên tổ tiên, nòi giống và những người đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Cha mẹ, ông bà, những người thân đã sinh ra ta, nuôi nấng ta khôn lớn, thầy cô dạy dỗ ta nên người có ích cho xã hội… Tất cả là “nguồn cội” để tưởng nhớ và tri ân.
Lòng biết ơn là cơ sở đạo đức của con người. Xã hội chỉ thực sự tốt đẹp khi được xây dựng vững chắc trên nền tảng đạo đức. Trên khắp đất nước Việt Nam, lòng biết ơn được thể hiện trong việc xây dựng đền chùa, miếu mạo để thờ cúng, tôn vinh những anh hùng có công với đất nước. Trong mỗi gia đình, bàn thờ gia tiên được đặt ở nơi trang trọng. Từ nhiều năm nay, cả nước đã dấy lên phong trào tri ân các thương bệnh binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng… ở nước ta.
“Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là tri ân, gìn giữ, bảo vệ những thành quả đã có, mà mỗi người hãy ra sức cống hiến, ghi thêm những thành quả mới để “nguồn nước” dân tộc luôn tròn đầy, trường tồn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới phát huy được những tinh hoa truyền thống tốt đẹp của ông cha, làm cho xã hội ngày càng phát triển. Đó là nhớ nguồn một cách thiết thực.
Ở đời còn nhiều người “uống nước mà không nhớ nguồn”. Đó là những kẻ vô ơn bạc nghĩa, “bỏ mối”, “qua cầu rút ván”, những kẻ vô ơn bạc nghĩa, ăn cháo đá bát, lừa thầy phản bạn, thờ ơ với quá khứ, quên cội nguồn, chà đạp lên những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc.
Đi sâu vào ý nghĩa của câu tục ngữ, ta thấy: “Uống nước nhớ nguồn” là một đức tính cần có của con người. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp này.
Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta chưa tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, vì vậy chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến cha mẹ, thầy cô bằng lời nói và hành động cụ thể: Ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi để trở thành người có ích công dân cho xã hội trong tương lai.
Đền ơn đáp nghĩa quả thực là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, nhưng nó không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình rèn luyện và tu dưỡng lâu dài của con người.